Âm thanh mặc dù trừu tượng nhưng khi nó được định hình và đưa vào những chuẩn mực, những khái niệm thì rõ ràng là chúng ta cảm nhận dễ dàng hơn rất nhiều.
Âm sắc (Tone Colors)
Âm sắc, hay nói cách khác là màu sắc của âm thanh. Một thiết bị âm thanh có thể tạo ra một thứ âm thanh với một màu sắc riêng, điều này cũng giống như khi xem một bức ảnh vậy. Một tấm ảnh có thể có màu sắc rực rỡ, cũng có thể có màu sắc phai nhạt. Một tấm ảnh màu sắc rực rỡ cũng như là một chất âm ấm áp, tình cảm, mềm mại và ngọt ngào. Trái lại, một tấm ảnh với màu sắc phai nhạt thì cũng giống như một dải âm lạnh lùng, khô khốc.
Âm sắc cũng là đặc thù riêng của một thứ âm thanh. Đơn giản như giọng nói của từng người, nó cũng luôn có được âm sắc riêng, và thông thường thì mỗi người có một giọng nói khác nhau. Mỗi loại nhạc cụ cũng có một âm sắc khác nhau, đó là lý do chúng ta phân biệt được tiếng piano, guitar hay đàn bầu.
Tuy nhiên nếu xét về độ trung thực, một tấm ảnh rực rỡ quá mức không hẳn là một bức ảnh đẹp, âm thanh cũng vậy, một khi âm sắc được tôn lên quá mức thì nó sẽ khiến độ trung thực giảm đi. Đôi khi xem một tấm ảnh đen trắng lại có rất nhiều cảm xúc, vì vậy âm sắc cũng quan trọng nhưng nó ko phải là tất cả để làm nên một âm thanh đẹp.
‘Độ sáng’ của âm thanh
Lại có một chút so sánh giữa việc nghe và nhìn. Một bức ảnh thì có một độ sáng nhất định, nếu sáng quá thì nhìn vào sẽ vô cùng nhức mắt, còn tối quá thì dĩ nhiên là chúng ta chẳng thấy được các chi tiết trong tấm hình. Âm thanh cũng vậy, nó sẽ sáng khi các dải được đẩy cao, tối khi các dải âm trầm dịu. Nếu âm thanh sáng quá thì sẽ chói tai, còn tối quá thì sẽ dễ làm mất đi các chi tiết âm trong bài nhạc.
Âm trường và âm tầng
Âm tầng (sound stage) và âm trường (sound field) là hai khái niệm rất dễ gây nhầm lẫn cho những người chơi âm thanh. Âm trường là độ rộng của không gian âm thanh. Có thể nói âm trường hẹp hoặc rộng. Khi âm trường hẹp, chúng ta sẽ thấy một không gian gò bó và mọi thứ âm thanh đập thẳng vào tai cực kỳ khó chịu. Trái lại, không gian âm thanh sẽ rộng mở hơn, thoáng hơn gọi là âm trường rộng. Khi đó, những âm thanh sẽ tạo ra một không gian mênh mông hơn, bay bổng hơn.
Nếu hình dung khi đang đứng trước một sân khấu hòa nhạc, chúng ta có thể hình dung trường âm như là độ rộng lớn của sân khấu và tầng âm là cách bố trí của các loại nhạc cụ trên sân khấu đó. Nếu là một sân khấu chật hẹp và người nghe phải đứng ngay sát những nhạc công thì đó được hiểu như là âm trường hẹp, và ngược lại. Thật sự là sẽ rất khó chịu nếu những âm thanh phát ra từ nhạc cụ đập luôn vào tai mà không tạo ra một khoảng không gian nào. Về việc bố trí các nhạc cụ trên sân khấu, người ta có thể bố trí đơn tầng hoặc đa tầng. Nếu bố trí đơn tầng thì chúng ta sẽ có một loạt âm thanh đến từ một khoảng cách giống nhau, còn nếu các nhạc cụ được bố trí ở các vị trí khác nhau thì âm thanh từ các nhạc cụ đó sẽ đến tai người nghe một cách lần lượt theo thứ tự xa gần, khi đó bạn sẽ cảm nhận được cái gọi là tầng âm.
Mật độ và sự chặt chẽ của âm thanh
Mật độ là độ đậm đặc của âm thanh, nói một cách ví von, có thể xem nó như một cốc cà phê – nó có thể đậm hoặc nhạt. Một cốc cà phê ngon thì phải đủ độ đậm, tuy nhiên nếu đậm quá sẽ rất đắng, chẳng dễ uống chút nào, mà nhạt quá thì tất nhiên cũng sẽ không ngon lành gì. Âm thanh cũng vậy, với một mật độ vừa đủ, ta sẽ nghe thấy những tiếng nhạc cụ đầy đặn, những giọng hát đầy nội lực và sức sống.
Sự chặt chẽ của âm thanh là sự gắn kết của các thành phần tạo nên bản nhạc ấy. Nếu như âm thanh của những tiếng đàn, của những tiếng trống và cả lời cả sỹ là những thành phần rời rạc, không có sự gắn kết thì bản nhạc đó chẳng khác gì một đĩa cơm rang vậy, mà thậm chí là cơm rang không có nước dùng hoặc xì dầu. Khi các thành phần trong một bản nhạc được gắn kết với nhau, hòa quyện vào nhau thì đó mới là một bản nhạc hay. Sự chặt chẽ của âm thanh là một yếu tố quan trọng tạo nên sự thành công của một chiếc headphone hay một cặp loa.
Sự trong trẻo
Khi nói về sự trong trẻo, bạn có thể rót một cốc nước lọc ra và nhìn vào đó. Nếu là một cốc nước sạch, dĩ nhiên sẽ không có hoặc cực kì ít vẩn đục hay tạp chất và ngược lại. Nói về độ trong trẻo của âm thanh, nó được xem như là độ tinh khiết của chính âm thanh ấy. Không tạp âm, không tiếng xì nền (hiss sound), không tiếng rít lúc lên cao (siblance), v.v… là những tiêu chuẩn của sự hoàn mỹ về âm thanh mà bất kỳ thiết bị nào cũng muốn hướng tới. Thế nhưng không phải tạp âm nào cũng cần phải loại bỏ, ví dụ như là tiếng đĩa than chẳng hạn. Nếu như nghe đĩa thanh mà thiếu đi tiếng cọ của đầu kim lên đĩa sột soạt thì có lẽ chúng ta nên đổi qua nghe CD thì hơn. Âm thanh đặc trưng ấy của đầu đĩa than là một lý do để nhiều người yêu thứ thiết bị cổ điển này.
Độ chi tiết
Nghe và nhìn lại một lần nữa có sự tương đồng. Khi nhìn vào một tấm ảnh, bạn có thể thấy nó nét hoặc không. Nếu là một tấm ảnh nét, bạn có thể thấy rõ các chi tiết trên đó, và dĩ nhiên ai chẳng ai thích nhìn vào một tấm ảnh out nét hoặc mờ mịt vì nhiễu cả. Trong âm thanh cũng vậy. Khi ta nghe thấy được những chi tiết âm cực kì nhỏ trong bài nhạc, có thể nói rằng thiết bị đó có độ chi tiết cao. Độ chi tiết cũng là một tiêu chuẩn mà nhà sản xuất các thiết bị âm thanh luôn hướng tới.
Tốc độ đáp ứng
Để dễ hình dung thì chúng ta hãy tưởng tượng dòng nhạc – dòng âm thanh kia là một đoàn người đang diễu hành trên phố. Nếu họ đi có đội hình, có trật tự và có khoảng cách nhất định, họ sẽ di chuyển được nhanh và đều, hoàn toàn không xảy ra lỗi. Tuy nhiên sẽ có lỗi xảy ra nếu họ xô đẩy loạn xạ vào nhau, vấp ngã hay dẫm vào nhau. Trong một bản nhạc cũng vậy, lúc nhanh, lúc chậm, lúc trầm, lúc bổng, lúc ngân dài, lúc ngắt nhịp nhanh. Trong một giàn giao hưởng cũng như một đoàn người diễu hành kia, có rất nhiều nhạc cụ. Cái khó của mọi thiết bị đó là kiểm soát tốc độ của những nốt nhạc mà hàng loạt nhạc cụ ấy phát ra, làm sao để chúng không bị lấn vào nhau.
Trong bản nhạc, dải âm dễ mất kiểm soát và gây ra sự lấn âm nhất là dải trầm (bass). Âm trầm là dải âm dễ cảm nhận nhất và hiện hữu rõ ràng nhất trong bản nhạc. Âm trầm là thứ tạo nên sự mềm mại và sức sống cho hai dải âm còn lại, tuy nhiên khi nó làm không tốt nhiệm vụ thì lại trở thành con dao hai lưỡi, nhấn chìm hai dải kia. Một dải bass tốt là khi nó đánh đủ sâu, đủ chắc khỏe, lúc xuống sâu sắp dứt lại có được độ lan tỏa. Thế nhưng hầu hết lỗi mà các thiết bị mắc phải đó là lan tỏa quá mức và kéo đuôi quá dài. Đây là lý do chính gây nên việc mất kiểm soát tốc độ trong bài nhạc. Ngoài ra, kiểm soát tốc độ còn thể hiện trên các dải khác nhưng việc cảm nhận có phần nào khó khăn hơn.
Dải động và độ tương phản:
Dải động, hay còn gọi là tần số đáp ứng của thiết bị là dải tần số mà chiếc loa hay headphones đó có thể tạo ra. Ngưỡng nghe của người thường rơi vào khoảng 20Hz- 20kHz, tuy nhiên thì các thiết bị có thể có dải động rộng hơn hoặc hẹp hơn quãng này. Dải động của chiếc headphone Sennheiser iE800 là 5Hz - 46,5kHz. Đây là một dải động cực lớn, bao trùm quãng nghe của tai người. Tuy nhiên thì sẽ chẳng có ai nghe được trên 20kHz và dưới 20Hz, do đó nếu có rộng hơn dải này thì con số đó cũng chỉ mang ý nghĩa tượng trưng và phô diễn kỹ thuật mà thôi.
Nếu trong việc nhìn, độ tương phản là sự đối lập giữa khoảng màu đen và khoảng màu trắng thì trong âm thanh, đó là sự đối lập giữa mức âm yếu nhất và mức âm mạnh nhất. Chúng ta có thể thấy được sự liên quan chặt chẽ giữa yếu tố dải động và độ tương phản của âm thanh đó là dải động càng rộng thì sự tương phản càng rõ ràng.
Con người luôn hướng tới những cái đẹp, và âm thanh đẹp cũng là một trong số đó. Âm thanh mặc dù trừu tượng nhưng khi nó được định hình và đưa vào những chuẩn mực, những khái niệm thì rõ ràng là chúng ta cảm nhận dễ dàng hơn rất nhiều. Với một người đang muốn “lấn sân” qua audio và muốn trở thành một audiophile thì cảm âm là điều cần thiết phải có. Những khái niệm đơn giản về âm thanh như ở trên sẽ giúp các bạn cảm nhận tốt hơn, đánh giá chính xác hơn và tạo cho mình được một định hướng chính xác trong việc lựa chọn thiết bị phục vụ cho thú nghe của mình.